WHĐ (29.06.2023) – Các nhà tâm lý học tình yêu hôn nhân đều có chung một nhận xét này là, trong đời sống vợ chồng, đôi bạn nào biết tôn trọng và yêu kính nhau thì họ sẽ hạnh phúc và cuộc hôn nhân của họ sẽ vững bền. Ông bà ta thường nói “Tương kính như tân”, nghĩa là trong đời sống vợ chồng, hai bạn phải kính trọng nhau như những người khách quý của mình. Kính trọng thông qua thái độ ứng xử tế nhị, nhẹ nhàng, thông qua thói quen giao tiếp khéo léo, lịch sự, thông qua sự cảm thông tinh tế, sâu sắc. Một danh nhân cũng đã nói, “Nền tảng của tình yêu vợ chồng, đó chính là yêu thương và kính trọng nhau” (Elijah Fenton).
Nhiều người trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân thường thắc mắc là phải sống như thế nào để thành công và hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Thiết tưởng câu trả lời đơn giản nhất chính là hãy tôn trọng nhau. Đó là “giới răn” cơ bản nhất của đời sống vợ chồng. Chính vì vi phạm giới răn này mà người ta chuốc lấy đau khổ và thất bại trong hôn nhân; chính vì không tôn trọng nhau mà người ta mới to tiếng, ẩu đả nhau và cuối cùng bỏ nhau. Tôn trọng nhau là không bao giờ xúc phạm đến nhau, cả khi thấy được những lầm lỗi của nhau.
Thực vậy, “hôn nhân là chuyện của từng ngày, và nếu mỗi ngày được cấu tạo bằng những việc làm nhỏ bé vô danh thì phép lịch sự chính là chìa khóa kỳ diệu của sự thành công. Phép lịch sự trong đời sống vợ chồng là nét đẹp của tâm hồn. Nó làm cho con người quên đi những gai góc trong ngôi vườn để chỉ nhìn thấy những cánh hoa
Thực tế cho thấy, người ta có thể đối xử rất lịch thiệp với người ngoài nhưng trong gia đình vợ hay chồng lại cư xử với nhau một cách bất-lịch-sự, ăn nói bỗ bã, giao tiếp suồng sã, đối xử với nhau rất cộc cằn, thô bạo… Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui của Tình Yêu), dựa vào bài ca Đức Mến trong thư 1Cr của thánh Phaolô đã đưa ra 13 lời khuyên nhằm giúp các đôi hôn nhân duy trì gia đình bền vững, trong đó điều số 5 liên quan sự “Không khiếm nhã”. Ngài đã chia sẻ như sau:
“Yêu thương cũng có nghĩa là làm cho mình đáng yêu. Rằng tình yêu thì không hành động thô lỗ, khiếm nhã, không cư xử gay gắt. Yêu thương thì không muốn làm cho người khác đau khổ. Hòa nhã là một trường học dạy sự mẫn cảm và tinh thần vô vị lợi, nó đòi người ta phải vun xới tâm tư và tình cảm của mình, học biết lắng nghe, ăn nói và có những lúc cũng biết thinh lặng.
Để sẵn sàng đón nhận một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, đòi hỏi phải có một cái nhìn nhân hậu đối với người ấy. Ai yêu thương thì có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ. Đó không phải là những lời hạ giá người ta, gây buồn phiền, chọc tức hay khinh dễ”
Như vậy, ta thấy rằng sự yêu kính tôn trọng nhau giữa đôi bạn luôn luôn là tiền đề cho một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Người ta đã đưa ra nhiều lý do giải thích vì sao trong đời sống hôn nhân đôi bạn phải yêu kính tôn trọng nhau suốt đời.
Ở đây ta có thể tạm liệt kê ra bốn lý do chính, như sau:
Một danh nhân đã nói: “Yêu là kính, không kính thì chưa gọi là yêu”.
Có thể nói, sự kính trọng nhau trong đời sống hôn nhân là một bằng chứng cụ thể nhất của tình yêu đôi lứa. Nhiều người lầm tưởng rằng tiền bạc, địa vị, sắc đẹp sẽ thay thế được tình yêu và góp phần làm nên một cuộc hôn nhân bền vững. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng tất cả những thứ đó chỉ là tai họa nếu trong đời sống chung, hai vợ chồng luôn tỏ ra bất kính, bất hòa, bất tương nhượng nhau. Nhiều khi chính những thứ đó lại khiến vợ chồng xa cách, ghét bỏ nhau. Tiền bạc thường làm cho đôi bạn nghi ngờ nhau. Địa vị nhiều lúc khiến cho hai người coi thường nhau. Sắc đẹp có khi là nguyên nhân gây đổ vỡ cho nhau. Chỉ có tình yêu thực sự mới giúp cho đôi bạn gắn bó nhau, trân trọng nhau. Ông bà ta nói, “Yêu nhau trăm sự chẳng nề/ một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Tình yêu có sức mạnh kỳ diệu khiến cho đôi bạn biết vượt qua mọi khó khăn trở ngại để yêu thương và tôn trọng bạn mình suốt đời.
Có thể nói, để có thể kính trọng nhau suốt đời, đôi bạn phải biết hy sinh và sống quảng đại nhiều lắm. Đầu tiên là phải hy sinh cái “Tôi” để chấp nhận nhau. Người ta nói “bá nhân bá tánh”, vợ chồng không phải là bản sao của nhau nên khác nhau hoàn toàn. Nhất là về phương diện tâm sinh lý, cá tính, tính cách, sở thích, thói quen thường ngày, cách suy nghĩ vv. Các chuyên gia về hôn nhân luôn nhắc nhở chúng ta rằng muốn cho hôn nhân thành công, bền vững thì bài học đầu tiên ai cũng phải nằm lòng, đó là nhận biết sự khác biệt nam-nữ và sẵn sàng thích nghi với sự khác biệt gốc rễ ấy. Nếu đôi bạn không nhận ra điều đó thì họ không thể tôn trọng nhau như hai bạn đời, bạn tình, bạn đường được.
Trong bài giảng ở Đại Hội Gia Đình Thế Giới vào năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các gia đình như sau: “Ơn gọi của anh chị em thật không dễ dàng để sống, thật sự không dễ, trong bối cảnh ngày nay, nhưng ơn gọi yêu nhau là một điều tuyệt đẹp – đó là động lực duy nhất thật sự có thể hình thành vũ trụ, hình thành thế giới.” Và ngài đã chỉ ra một số cách để thăng tiến tình yêu gia đình, chẳng hạn như:
– Duy trì quan hệ thân thiết với Chúa và tham gia vào đời sống Giáo Hội;
– Nuôi dưỡng đối thoại;
– Chấp nhận quan điểm khác biệt;
– Sẵn sàng phục vụ và kiên nhẫn với lầm lỗi của người khác;
– Có khả năng tha thứ và xin tha thứ;
– Vượt qua mọi mâu thuẫn cách khéo léo và khiêm tốn vv.
Ngài nhấn mạnh: “Đó là những nhân tố giúp xây dựng gia đình. Hãy mạnh mẽ thực hành những điều đó, và với lòng bác ái yêu thương người khác trong sự kết hợp với ân sủng của Chúa, anh chị em sẽ trở thành những quyển Tin Mừng sống, những Hội Thánh tại gia.”
Ta thường nói “vợ chồng như đũa có đôi” bởi vì hai người là BẠN của nhau. Bạn đời, bạn tình, bạn đường, bạn tri kỷ… Họ cần nhau giúp nhau đồng hành trên cuộc đời đầy khó khăn này. Do đó không thể có chuyện “chồng chúa vợ tôi” được. Thực trạng này chỉ đẩy họ xa nhau, ghét nhau, thù nhau mà thôi. Vợ chồng trước hết phải nhận thức rằng trong hôn nhân không có giai cấp, không có chủ-tớ, không có kẻ trên người dưới. Trái lại đôi bạn bình đẳng, bình quyền và mỗi người phải tôn trọng vai trò và nhiệm vụ riêng của nhau.
Danh ngôn có câu: “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing). Vậy làm sao để có thể duy trì được sự bình đẳng giữa đôi bạn? Câu trả lời sẽ là, hãy yêu mến và tôn trọng nhau. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Kitô” đã phân tích như sau:
Với Công Đồng Vaticanô II, hôn nhân được định nghĩa thiết yếu như một cộng đồng tình yêu mà hai người nam nữ, do giao ước hôn phối, cam kết xây dựng với nhau suốt đời. Định nghĩa này đã được Giáo luật mới của Giáo Hội lặp lại trong số 1055 như sau: ‘Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống’. Nói đến thông hiệp là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là không còn nói đến quyền lợi nữa. Tình yêu vợ chồng làm cho hai người bình đẳng với nhau đến độ không ai còn nại đến quyền lợi của mình đối với người khác. Nếu có một thứ quyền lợi mà cả hai phải nghĩ đến, thì đó là lợi ích của cộng đồng tình yêu mà họ đã cam kết xây dựng với nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người ta có thể nói rằng, không còn có cái tôi với những quyền lợi riêng tư nữa. Hai người phối ngẫu sẽ không còn phải khẳng định: cái này của tôi, cái kia của ông, cái nọ của bà. Họ thuộc về nhau trọn vẹn, họ chia sẻ cho nhau tất cả mọi sự. Họ có chung một trách nhiệm
Chúng ta ai cũng biết rằng đời sống hôn nhân gia đình cực kỳ khó khăn và phức tạp. Ngoài vấn đề cơm-áo-gạo-tiền, đôi bạn còn phải “chiến đấu” với chính bản thân ích kỷ của mình và với những trái chứng của người bạn đời. Người xưa nói, cái chén cái bát còn có lúc va chạm xô đẩy nhau huống chi là con người. Cho nên những mâu thuẫn xung đột giữa hai người là điều đương nhiên không thể tránh được. Cái cảnh “Ông nói gà, bà nói vịt” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” dường như là chuyện đương nhiên như cơm bữa!
Tuy nhiên, các đôi vợ chồng trưởng thành và có thiện chí thì luôn tìm được giải pháp hóa giải được những mâu thuẫn nội bộ. Giải pháp đơn giản nhất, đó là hai người luôn biết trân trọng nhau, đó là biết chấp nhận vai trò của nhau, biết đề cao phẩm giá con người nơi bạn đời và thực sự muốn duy trì một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc.
Chúng ta biết rằng, “hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ trong sự tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng phẩm giá, quyền lợi và tự do của nhau. Điều này được chính đôi bạn cam kết với nhau trong ngày thành hôn. Đôi bạn không chỉ hứa tôn trọng nhau trong một thời gian nhất định, nhưng là tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời. Tôn trọng nhau lúc thành công cũng như khi thất bại, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe. Như vậy, tôn trọng trước hết là nhìn nhận nhau và cả hai đều quan trọng đối với nhau. Bởi lẽ, người nữ là phần bổ sung của người nam cũng như người nam là phần bổ sung của người nữ: người nam và người nữ bổ túc cho nhau, không chỉ về mặt thể lý và tâm lý mà cả về mặt hữu thể. Do đó, khi người nam và người nữ gặp nhau, thì nhận thức thống nhất của con người được hình thành, không dựa trên logic tập trung vào mình và khẳng định chính mình, mà là dựa trên logic tập trung yêu thương và liên đới”
Rất nhiều người sau một thời gian kết hôn đã tỏ ra vô cùng thất vọng vì hai vợ chồng không còn chút kính trọng yêu thương nhau nữa. Có lúc họ coi nhau như “kẻ thù”. Và người ta, xem ra thay vì hút vào nhau thì ngày càng đẩy xa nhau vì không còn chịu đựng được nhau nữa. Đối với nhiều người, cuộc hôn nhân của họ không hơn gì một thảm họa, một bi kịch mà ai cũng mong thoát khỏi càng sớm càng tốt. Các chuyên gia về hôn nhân gia đình đã đưa ra một số biểu hiện nổi bật về sự bất-kính trong mối tương quan vợ chồng. Đó là sự vô cảm, tính tự kiêu tự ái, tính ích kỷ vụn vặt, thói gia trưởng của người đàn ông và thói ương ngạnh của người phụ nữ.
Khi hai vợ chồng mất đi tình nghĩa phu thê và không còn kính trọng yêu thương nhau như thuở ban đầu nữa thì họ sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái vô cảm lạnh lùng với nhau. Nhiều người cho rằng tình trạng ấy giống như một liều thuốc “độc” hay một gáo nước lạnh mà đôi bạn dành cho nhau. Suốt ngày họ không thèm nói với nhau nửa lời, họ không còn muốn quan tâm đến nhau nữa, dường như họ không còn cần nhau nữa. Tắt một lời họ coi khinh nhau, coi thường nhau, coi nhau như người dưng nước lã trong cùng một mái nhà…
Có người đã khẳng định rằng: “Hận thù không phải là thứ đối lập với tình yêu mà đó là sự vô cảm” (Rollo May). Vợ chồng có thể cãi nhau ầm ĩ nhưng sau đó làm hòa với nhau vui vẻ, êm thấm. Còn nếu rơi vào tình trạng lầm lầm lì lì, đèn nhà ai nấy sáng, mỗi người ăn một nồi ngồi một hướng, chẳng ai ngó ngàng hay đoái hoài tới nhau, thì đó sẽ là điều đáng lo ngại. Ta biết rằng, đặc tính của tình yêu vốn có sức mạnh hút nam nữ lại gần với nhau, là truyền thông cho nhau hơi ấm của sự sống, là mở rộng trái tim để đón nhận nhau. Tuy nhiên, khi căn bệnh vô cảm xâm nhập vào đời sống vợ chồng, một trong hai người hoặc cả hai người sẽ rơi vào tình trạng lạnh nhạt, chán nản, buông lơi. Những cảm xúc yêu thương, những tâm tình âu yếm giờ bị đóng băng, mỗi người nhìn về một hướng và mang tâm trạng của những kẻ xa lạ trong cùng một mái nhà. Đây đúng là tình trạng “Đồng sàng dị mộng!” (Vợ chồng chung giường nhưng mỗi người có giấc mơ khác nhau).
Các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình cho rằng sự lạnh nhạt, vô tâm vô cảm trong quan hệ vợ chồng luôn được xếp vào một trong những nguyên nhân chính gây ra ngoại tình và ly hôn. Có thể nói sự lạnh nhạt, vô cảm trong quan hệ vợ chồng sẽ là tiền đề cho sự đổ vỡ của hôn nhân. Một sự cách ly tâm lý sẽ dễ dàng đem đến sự cách ly thể lý, khởi đầu cho cuộc ly hôn sau này.
Có thể nói tính tự kiêu tự ái của đôi bạn đã khiến cho vợ chồng “lên mặt” với nhau. Ông khinh thường bà vì bà thất học hay thua kém ông điều này điều nọ. Bà coi khinh ông chỉ vì ông nghèo hơn, ít của cải hơn, ngoại hình xấu xí hơn vv. Người ta tự kiêu và không chấp nhận sự hòa đồng. Người ta tự ái vì nghĩ rằng bạn đời thua kém và không xứng đáng với tầm mức của mình.
Ông bà xưa thường nói, “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Quả thực, càng yêu nhau người ta càng tự ái và dễ bị tổn thương. Càng yêu nhau, người ta càng dễ dàng biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn, càng dễ dàng hờn dỗi, quay mặt lại với nhau. Chúng ta biết rằng, trong đời sống vợ chồng, không phải lúc nào cũng êm ả, bình lặng. Trái lại, có những lúc sóng gió nổi lên khiến cho đôi bạn bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, bất hòa, bất đồng thường xuyên. Từ đó, cái cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” xảy ra như cơm bữa. Đây là hệ quả của những thái độ ứng xử thiếu nhân bản và bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Có thể kể ra một thái độ tiêu biểu, đó là vợ chồng không tôn trọng nhau.
Một nguyên tắc vàng trong đời sống hôn nhân, đó là vợ chồng luôn phải coi nhau những vị khách quý, khách đặc biệt trong cuộc đời của mình. Tôn trọng nhau không phải là tâng bốc nịnh bợ nhau một cách giả đối, mà là tôn kính, tin tưởng nhau với một tình yêu chân thành, tự do và tế nhị…
Ai cũng biết rằng, để bảo toàn sự kính trọng và tin tưởng nhau lâu dài trong hôn nhân, điều đó không phải là chuyện dễ. Bởi sự nhàm chán, va chạm thường ngày khiến người ta có thái độ lờn mặt hay khinh thường nhau. Nhưng nếu yêu nhau thật tình, thì sự tin tưởng và kính trọng nhau sẽ mãi tồn tại. Như có câu: “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”. Quả thực, hôn nhân sẽ không thể tiếp tục duy trì nếu một trong hai bên liên tục bị tổn thương bởi sự từ chối, chê bai, hạ thấp. Sẽ rất khó để một người có thể chung sống cùng với một người khi người này luôn coi thường và thiếu tôn trọng mình. Lòng tự tôn của con người rất cao và khả năng sẽ ly hôn khi không được tôn trọng không phải là những trường hợp hiếm khi xảy ra.
Triết gia Công giáo Blaise Pascal đã từng nói: “Cái tôi đáng ghét” (Le Moi est haissable). Quả đúng vậy. Nhưng thực tế đối với nhiều người trong chúng ta thì cái “Tôi” không đáng ghét, trái lại nó quá lớn, quá đẹp, quá tốt, quá giỏi, quá hoàn hảo, quá đạo đức… và chúng ta rơi vào bệnh “Quy ngã”, lấy mình là trung tâm và coi thường người khác. Trong đời sống hôn nhân, một khi đôi bạn chỉ lo quan trọng hóa cái “Tôi” của mình mà khinh chê coi thường người kia thì mối quan hệ giữa hai bạn sẽ bị khủng hoảng trầm trọng.
Chúng ta biết rằng “vợ chồng như đũa có đôi”, hai người phải là hai vế song phương, bình đẳng, hài hòa. Người chồng, dù có tài giỏi giàu sang gì thì cũng không có quyền lên mặt coi thường vợ mình. Người vợ, dù có đẹp đẽ sang trọng đến đâu thì cũng không thể khinh miệt chồng mình. Cả hai phải nên một, không phải là sự hòa tan gượng ép nhưng là một sự hòa đồng trên cơ sở bình đẳng người-người. Hai người, dù có khác nhau cách nào đó thì họ vẫn là những nhân tố tích cực bổ sung cho bạn mình. Người ta thường nói, “Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Hay “Cuộc đời của người đàn bà chính là người đàn ông” (Ngạn ngữ phương Tây).
Người ta nói đến công thức của một cuộc hôn nhân thành công, đó là 0,5 cộng với 0,5 bằng 1. Nghĩa là cái “Tôi” của mỗi bạn phải nhỏ đi một nửa để đón nhận người kia như là một nửa không thể thiếu của mình. Như Lời Chúa trong Kinh Thánh: “Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).
Trong bài báo có tựa “Vợ chồng phạm phải điều này, sớm muộn cũng sẽ ly hôn”, khi nói đến việc vợ chồng không tôn trọng nhau, tác giả đã viết như sau: “Để đi cùng nhau trên quãng đường dài, sự tôn trọng là điều kiện tiên quyết. Trong cuộc sống thực, nhiều người đàn ông có tính gia trưởng. Họ thích đi theo con đường riêng của họ và không có bất kỳ sự bàn bạc nào với vợ. Họ luôn cảm thấy rằng bản thân họ đúng. Một mô hình hôn nhân như vậy sẽ khiến phụ nữ mất tự tin. Bất kỳ cuộc hôn nhân tốt đẹp nào cũng cần có sự tôn trọng lẫn nhau, bởi vì tiền đề của việc yêu một người là học cách tôn trọng người đó. Khi các bạn là vợ chồng, bất kỳ việc lớn nào cũng cần hai người quyết định cùng nhau. Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể cảm thấy như một gia đình”
Bên cạnh đó, khi bàn về Địa vị của người chồng trong gia đình, tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc gia đình Kitô – Mục vụ Hôn nhân và Gia đình” đã chia sẻ như sau: “Có những người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình. Họ nại đến quyền làm chồng để cưỡng bách vợ phải vâng phục hầu hạ mình. Họ nại đến quyền làm chủ để đơn phương quyết định mọi việc trong nhà. Họ nại đến cả quyền làm đàn ông để hành hạ đàn bà. Khi người chồng chỉ suy nghĩ và hành động trong vòng quyền lợi của mình, thì dĩ nhiên, người vợ sẽ không còn là người bạn đường để cùng xây dựng cộng đồng tình yêu nữa mà có lẽ chỉ còn là người nội trợ không hơn không kém, một người giúp việc để cho người đàn ông sai khiến và sử dụng vào những mục tiêu riêng của mình. Cư xử như thế không phải là thể hiện tư cách làm chủ trong gia đình”[6].
Nhiều người sau một thời gian dài chung sống đã nhận ra rằng để giữ mãi lòng yêu thương kính trọng nhau như thuở ban đầu quả thực là rất khó. Bởi ngoài việc chấp nhận sự khác biệt về tính cách, tính tình, quan niệm sống, sở thích, thói quen giữa hai người, đôi bạn còn phải rèn luyện bản thân mình từng ngày từng giờ để làm sao có thể sống bao dung quảng đại nhằm thích nghi tốt với một nửa của mình. Nếu không, cuộc hôn nhân của họ luôn ở trong tình trạng khủng hoảng dễ dàng đi tới chỗ tan vỡ. Những người trải qua kinh nghiệm này đã nói rằng, chết vì người yêu còn dễ hơn là sống với họ.
Nhân dịp này, dựa vào kinh nghiệm của nhiều người, chúng ta thử đưa ra một số quy tắc nền tảng nhằm củng cố và duy trì lâu dài sự tôn trọng và kính yêu giữa đôi bạn đời.
“Trong mọi hoàn cảnh, hãy kính trọng nhau”. Đây là quy tắc “ưu tiên số một” mà bất kỳ đôi bạn nào cũng cần nhớ nằm lòng. Người ta thường nhắc đến câu thành ngữ sau: “Tương kính như tân”, có nghĩa là vợ chồng phải kính trọng nhau như những vị khách quý. Đã là khách quý của nhau thì hai bên phải biết trọng, biết kính, biết nể nang, biết đối xử tử tế văn minh, biết ăn nói lịch sự…với nhau.
Các chuyên gia về tình yêu hôn nhân gia đình đều khẳng định là sự tôn trọng nhau giữa hai vợ chồng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc duy trì một cuộc hôn nhân bền vững, thành công. Sự kính yêu, tôn trọng nhau giữa đôi bạn luôn là bằng chứng cho thấy hai bạn thực sự yêu nhau và biết trân trọng nhau. Tôn trọng cái tốt, ưu điểm và cả cái không tốt, khuyết điểm của bạn đời. Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Vợ chồng nào mà chẳng có những cái “lệch” nhau. Từ cá tính đến sở thích riêng tư, từ quan niệm sống đến cách đối nhân xử thế, từ thói quen tập quán đến văn hóa giao tiếp ứng xử vv… Nhân cách mỗi người hình thành từ nhiều yếu tố, do đó tạo nên sự khác biệt giữa người này với người kia.
Trong bài Giáo lý Hôn nhân có tựa đề “Hòa hợp vợ chồng: Triển nở trong tình yêu”, có đoạn viết như sau:
“Trong ngày thành hôn, anh chị cầm tay nhau cam kết sẽ yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ một năm, hai năm, năm năm, mà là ‘mọi ngày suốt đời’. Yêu thương và tôn trọng phải đi đôi với nhau. Vợ kính trọng chồng, chồng tôn trọng vợ. Cả hai quý mến, trân trọng nhau.
“Trước hết, trọng kính là phải nhìn nhận nhau. Vợ không phải là người hầu hoặc nô lệ của chồng, mà là người bạn đời. Nam và nữ khác biệt nhau, nhưng bình đẳng với nhau vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa, được tạo dựng để trở thành trợ tá của nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau.
“Tiếp đến, trọng kính là phải đón nhận nhau. Gia đình Nadarét được bắt đầu bằng sự đón nhận: ‘Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng sợ đón bà Maria vợ ông về…’ (Mt 1, 20). Không chỉ đón nhận những ưu điểm, mà còn cả những khuyết điểm, nghĩa là đón nhận trọn vẹn con người của nhau với quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai. Thuở mới quen nhau, anh chị đã khám phá ra rất nhiều cái đẹp của nhau, những cái làm cho nhau ngưỡng mộ, si mê. Khi bước vào cuộc sống gia đình, anh chị dần dần khám phá thêm nhiều điều khác. Những điều này có thể là “mặt trái” của nhau. Đón nhận nhau ở đây, trước hết là tôn trọng những khác biệt về cách suy nghĩ, cảm nhận… qua việc trao đổi, lắng nghe, để hiểu biết con người của nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi ngày một nên hoàn thiện.
“Sự tôn trọng được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không phải chỉ tôn trọng nhau trong lúc thành công, thịnh vượng và mạnh khoẻ, trái lại trong lúc gian nan, thất bại và bệnh tật lại cần phải tôn trọng và nâng đỡ nhau hơn nữa. Tránh nói với nhau bằng những lời lẽ tục tằn, thô lỗ, hoặc nói xấu nhau với người thứ ba. Ngược lại, biết dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, lễ độ, ‘tương kính như tân’”.
Trên trang kênh14.vn ngày 22-4-2023 có bài tựa “3 quy tắc bất thành văn để vợ chồng hòa hợp”, trong đó tác giả nhấn mạnh đến một trong ba cách thức cụ thể nhằm giúp cho hôn nhân bền chặt. Đó là “Biết cách tôn trọng không gian cá nhân của nhau”. Bài báo viết, “Chúng ta biết rằng, mọi người đều có nhu cầu về không gian và lối sống độc lập của riêng mình. Đó là quyền cơ bản mà ai cũng nên được hưởng. Đối với nhiều người, họ cho rằng hai vợ chồng sau khi kết hôn thì phải chung tất cả mọi thứ, không được có riêng cho mình cái gì, kể cả không gian cá nhân. Cũng vì lí thuyết đó mà bất cứ chuyện gì chồng/vợ cũng cố gắng can thiệp, cố tìm hiểu bằng được, không cho bạn đời một chút riêng tư nào.
“Bạn nên nhớ, càng thân với nhau thì càng cần tôn trọng không gian riêng tư. Đơn giản như chuyện họ có thể có sở thích riêng, có nhóm bạn riêng, có những thói quen mỗi tuần thực hiện một lần. Sau khi kết hôn, bạn cũng đừng dùng quyền của một người bạn đời để ngăn cấm, can thiệp hay để ý kỹ càng quá nhiều về vấn đề đó. Sự can thiệp sâu, không coi trọng không gian cá nhân về lâu về dài sẽ chỉ khiến hai vợ chồng sứt mẻ tình cảm. Hôn nhân rất khó để êm đẹp như xưa”
Cùng quan điểm như trên, Richard Templar tác giả cuốn “Những quy tắc trong Tình Yêu” (The rules of Love) đã đề cập đến việc vợ chồng phải tôn trọng sự riêng tư của nhau, đã chia sẻ như sau: “Tôi biết có những cặp vợ chồng tranh cãi rất gay gắt về chuyện người chồng không thích vợ mình gặp gỡ bạn bè mà không có anh ta đi cùng, hay vợ gọi điện khi chồng đi vắng. Dần dần, anh chồng mỗi lúc một tức giận hơn, còn cô vợ thì càng ngày càng tỏ ra ương ngạnh. Và thế là quan hệ giữa hai người dần hình thành một vết rạn khá lớn…”
Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân gây xung đột trong đời sống vợ chồng, đó là đôi bạn không biết tôn trọng quyền riêng tư của nhau. Chúng ta biết rằng mặc dù ở chung nhà, ngủ chung giường, ăn chung mâm…nhưng vợ chồng vẫn có những “khoảng trời riêng tư” mà bạn đời phải nhận ra và tôn trọng. Chồng có sở thích riêng thì vợ cũng có những thú vui riêng. Chồng thích đọc sách thì vợ cũng ham mê xem phim. Chồng thích đi du lịch, trong khi đó vợ thích đi thăm bạn bè cũ vv…
Thực vậy, với quan niệm cho rằng đã là vợ chồng, mọi thứ đều phải là của chung, không nên giấu giếm, không ít trường hợp thiếu tế nhị, tự cho quyền được lục lọi những vật dụng riêng tư như điện thoại, máy tính, bóp, thư từ, tiền bạc… của chồng/vợ mình. Cách cư xử đó khiến bạn đời khó chịu và lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc lứa đôi. Khi nêu vấn đề này ra, đa số các bạn nam cũng như nữ đều không thích “người cùng nhà” quá tò mò, kiểm soát này nọ. Không ít cặp đôi thường cãi cọ, “chiến tranh lạnh” cũng vì vợ, chồng có thói quen trên.
Trái lại, đặc điểm của những cặp vợ chồng trưởng thành là họ không bao giờ lấn sân của nhau, họ biết dừng lại bên làn ranh giới của mình. Thực tế chứng minh rằng họ thực sự hòa hợp trong hôn nhân vì cả hai cùng quan tâm đến nhau nhưng lại vẫn duy trì được thái độ “tương kính như tân”.
Các chuyên gia tâm lý tình yêu và hôn nhân luôn khẳng định là niềm tin là một thứ giúp sinh mệnh của tình yêu tiếp tục tồn tại. Nếu đã yêu, thì hãy tin tưởng. Đừng quá đặt nặng lòng nghi ngờ, sự nghi ngờ cũng rất mỏi mệt. Hãy mở lòng tin tưởng nhau, điều đó không chỉ khiến lòng bạn dễ chịu, mà cũng khiến tình yêu bền vững hơn. Một khi vợ chồng mất lòng tin vào nhau, điều đó chắc chắn sẽ là nguyên nhân gây tổn thương rất lớn đối quan hệ vợ chồng.
Thực vậy, “Một mối quan hệ tốt đẹp phải dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin tưởng chính là cơ sở để vợ chồng hòa hợp. Vợ chồng mà suốt ngày sống trong tình trạng nghi ngờ sẽ mệt mỏi vô cùng. Chồng nghi vợ có bồ, vợ nghi chồng vụng trộm, cách suy nghĩ này chỉ khiến hai vợ chồng ngày càng xa cách. Họ soi mói nhau, nghi kị nhau, tình yêu cũng dần mai một trước những sự nghi ngờ đó. Một khi lòng tin đã mất sẽ rất khó để xây dựng lại. Vợ chồng mà suốt ngày chỉ sợ đối phương lừa dối, làm điều có lỗi với mình thì hôn nhân lấy gì ra để mà hạnh phúc.”
Khi đề cập đến vấn đề “Tin tưởng tất cả” trong thư 1Cr 13 của thánh Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui của Tình Yêu) như sau:
“Panta pisteuei. [Tình yêu] ‘tin tưởng tất cả’. Do mạch văn ở đây ‘tin’ không được hiểu theo nghĩa thần học, nhưng theo nghĩa ‘tin tưởng’ mà chúng ta vẫn dùng. Vấn đề không chỉ là không nghi ngờ người kia đang nói dối hay lừa lọc ta. Sự tin tưởng căn bản ấy nhận ra ánh sáng được thắp lên bởi Thiên Chúa khuất ẩn đằng sau bóng tối, hoặc như cục than hồng vẫn còn cháy đỏ bên dưới đống tro.” (số 114)
“Chính sự tin tưởng này làm cho một mối tương quan được tự do. Ta không cần phải kiểm soát người kia, bám theo từng bước chân của người ấy để không cho người ấy thoát khỏi tay ta. Tình yêu thì tin tưởng, để cho nó tự do, từ chối kiểm soát mọi sự, chiếm hữu, thống trị. Sự tự do này, vốn có thể tạo ra những không gian độc lập, mở ra với thế giới và đón nhận những kinh nghiệm mới, giúp các tương quan thêm phong phú và mở rộng.
“Bằng cách đó, vợ chồng sẽ san sẻ cho nhau niềm vui về tất cả những gì họ lãnh nhận và học được từ bên ngoài phạm vi gia đình. Đồng thời, tự do giúp người ta có được sự chân thành và minh bạch, vì khi biết rằng mình được những người khác tin tưởng và chân tình quí trọng lòng tốt thì sẽ cởi mở mà không giấu diếm điều gì. Một người mà biết rằng những người khác luôn nghi ngờ mình, hoặc xét đoán mà không chút cảm thương và không yêu thương mình vô điều kiện, thì người đó sẽ có khuynh hướng giữ kín các bí mật của mình, che giấu các tội lỗi và yếu đuối của mình, và sống giả dối.
“Trái lại, một gia đình mà trong đó sự tin tưởng vững vàng đầy yêu thương ngự trị, và là nơi cho người ta luôn quay về trong tin tưởng dẫu cho bất cứ điều gì xảy ra, gia đình ấy sẽ giúp các thành viên sống căn tính đích thật của mình, và đương nhiên loại trừ sự lừa gạt, giả tạo, và dối trá.” (số 115)
Chúng ta biết rằng, trong đời sống hôn nhân, giao tiếp hằng ngày đóng vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ gắn kết đôi bạn lại, mà còn giúp cả hai hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn. Một ngày các vợ chồng bạn phải ở xa nhau ít nhất cũng tám giờ do công việc làm ăn, có biết bao chuyện xảy ra xung quanh cả hai người. Do đó, rất cần kể cho nhau nghe mọi chuyện, chia sẻ với nhau những gì xảy ra trong ngày. Không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc nếu mỗi ngày họ không nói chuyện với nhau được 30 phút.
Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình. Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của đôi bạn đang có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay.
Nhờ giao tiếp đối thoại thường xuyên với nhau, đôi bạn có cơ hội dành thời gian gắn kết tình nghĩa vợ chồng.
Sau 26 năm nghiên cứu 343 cặp vợ chồng, tiến sĩ Terri Orbuch, chuyên gia về tình yêu hôn nhân kết luận rằng những người biết và hiểu rõ bạn đời của mình sẽ cảm thấy hài lòng với hôn nhân hơn. Trong những cuộc phỏng vấn hàng năm, 98% cặp vợ chồng hạnh phúc nói rằng họ hiểu sâu sắc người bạn đời của mình, biết bạn thân nhất của vợ/chồng mình, biết những mối quan tâm, mong muốn và mâu thuẫn trong lòng của người đó. Khoảng 50% cặp vợ chồng hạnh phúc nói rằng họ thường xuyên chia sẻ nhiều chi tiết riêng tư với vợ/chồng mình, trong khi con số này chỉ là 19% ở đôi không hạnh phúc. Khi vợ chồng hiểu nhau sâu sắc, cuộc hôn nhân sẽ kéo dài hơn. Tiến sĩ T. Orbuch cũng đề xuất quy tắc 10 phút: Mỗi ngày, vợ chồng nên dành ít nhất 10 phút để nói về những gì ngoài công việc, gia đình, việc nhà, bởi thực tế rất nhiều cặp vợ chồng chỉ giao tiếp khi họ muốn nói về những công việc trong gia đình.
Các nhà tâm lý học luôn cho rằng một trong những điều đem lại hạnh phúc lớn cho con người đó là được là chính mình, được có cơ hội thể hiện bản thân mình một cách trung thực và sâu xa nhất. Trong cuộc sống chung vợ chồng, người ta dễ bị “vong thân”, nghĩa là mất bản thân, bản ngã mình để trở nên một cái gì khác không phải là mình một khi mà vợ hay chồng ép buộc hay áp lực để người kia phải là, phải sống, phải hành động theo ý riêng mình.
Trong bài viết có tựa “Hạnh phúc là cả hai vợ chồng đều được là chính mình”, một bạn nữ đã tâm sự như sau: “Mỗi người đều có một khái niệm hạnh phúc của riêng mình, không thể áp đặt cho riêng ai hoặc áp dụng cho tất cả các cặp vợ chồng. Vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, và gia đình nhà mình cũng thế mà thôi. Tuy nhiên, sau mười năm bước vào cuộc sống hôn nhân, mình nhận ra một điều rằng, vợ chồng sống với nhau hạnh phúc khi được là chính bản thân mình, được sống thật vui vẻ, thoải mái trong chính ngôi nhà của mình. Từ khi chân ướt chân ráo bước vào hôn nhân, mình đã không ngần ngại được là chính mình và luôn được như ý nguyện. Kể như là tự do làm những việc mình thích, mình muốn gì chồng cũng chiều. Vì yêu mình, vì muốn làm mình vui và vì có thể không muốn không khí gia đình căng thẳng chồng mình đáp ứng vô điều kiện của vợ”.
“Được là chính mình”, điều đó nghe qua tưởng dễ nhưng thực sự là rất khó nhất là đối với các đôi vợ chồng sống lâu năm với nhau. Trong khi tâm lý chồng là muốn vợ mình phải là “bản sao” theo như mình muốn, khiến cho bà vợ lúc nào cũng cảm thấy mất tự do, bị ức chế rất khó chịu, khổ sở, thì phía bên kia bà vợ cũng “giam hãm” chồng trong những sở thích và định kiến của riêng mình, khiến cho người chồng luôn có cảm giác bị trói buộc và sẵn sàng “nổ tung” bất cứ lúc nào. Cuộc sống như vậy quả thực là tù túng, nhàm chán và vô vị…
Như vậy có thể nói, khi đôi bạn tích cực chấp nhận để bạn đời mình luôn được là chính họ trong suy nghĩ, lời nói và hành động, thì đó là biểu hiện cụ thể sự trân trọng và quý mến bạn đời mình. Như tác giả D. Wahrheit trong cuốn Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô đã viết như sau: “Hôn nhân là một công trình xây dựng chung của hai vợ chồng. Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy nghĩ khác nhau, hai biểu lộ khác nhau, hai sở thích khác nhau. Đó là kho tàng quí giá nhất của đời sống vợ chồng. Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách Tâm lý vợ chồng trẻ, mà trái lại, bổ túc cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn. Hôn nhân là một cách sống ơn gọi làm người. Chính nhờ đời sống hôn nhân mà con người nên người hơn, nên phong phú hơn, nên thành toàn trong nhân cách hơn. Và để đạt được ơn gọi ấy, hai người phối ngẫu phải biết tiếp nhận nhau, biết xem những khác biệt của nhau như những giá trị giúp nhau nên phong phú. Nói tóm lại, nên một với nhau, hoà lẫn với nhau, nhưng không đánh mất chính mình. Đó là vẻ đẹp của đời sống vợ chồng”
Tác giả: Phùng Trung Thành
Nguồn tin: phungtrungthanh.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn