Tránh nợ xấu thẻ tín dụng bằng cách nào?

Thứ tư - 20/03/2024 21:26
Trước vụ việc chủ thẻ tín dụng của Eximbank vay 8,5 triệu đồng trả 8,8 tỷ đồng khiến nhiều người lo ngại sẽ trở thành con nợ, vì thể, nhiều người đã nhanh chóng tra soát và hủy thẻ để tránh nợ xấu.
Lo nợ xấu phát sinh đẩy làn sóng hủy thẻ tín dụng.
Lo nợ xấu phát sinh đẩy làn sóng hủy thẻ tín dụng.

Cẩn trọng khi dùng thẻ tín dụng

Trong những ngày qua, không ít khách hàng đã liên hệ, thậm chí đến tận các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng để yêu cầu kiểm tra tài khoản, nợ xấu và hủy thẻ tín dụng đã mở trước đó.

Chị Minh An (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, sau khi đọc thông tin về vụ việc khách hàng của Eximbank phải trả khoản nợ thẻ tín dụng lên gần 9 tỷ đồng sau 11 năm, chị mới giật mình liên hệ ngân hàng kiểm tra lại thông tin thẻ của mình.

Vì hiện trong ví của chị An có ít nhất 3 thẻ tín dụng của 3 ngân hàng. Sở dĩ có nhiều thẻ tín dụng trong ví, theo chị An, do các ngân hàng chào mời, phát hành thẻ tín dụng miễn phí và cấp hạn mức trên dưới 50.000 triệu đồng cho dùng miễn lãi trong 40-45 ngày, thậm chí có ngân hàng lấy thông tin tự mở thẻ cho chị An. Nhưng sau vụ việc trên, chị thấy mình cần thiết phải đóng ít nhất 1-2 thẻ tín dụng, chỉ giữ lại 1 thẻ để giảm các loại phụ phí cũng như tránh vướng vào nợ xấu, phải trả lãi cao.

Thực tế hiện nay cho thấy, không ít người cứ thấy ngân hàng dễ dàng mở thẻ tín dụng, cấp hạn mức cho tiêu dùng theo hình thức tín chấp, thậm chí khi cần còn có thể rút tiền mặt. Thế nhưng, nếu không cẩn trọng sẽ khó tránh được “bẫy” lãi suất cao nếu chậm trả gốc, lãi và các loại phí đi kèm.

Bởi thẻ tín dụng có lãi suất rất cao, thường khoảng 25-40%/năm tùy thuộc vào ngân hàng, chưa kể phí phạt trả chậm. Do đó, người dùng thẻ tín dụng cần chú ý tới các khoản chi tiêu của mình để trả nợ đúng hạn hay còn gọi là “lãi kép”, tránh để phát sinh lãi chồng lãi trong thời gian dài.

Đặc biệt, đối với những thẻ tín dụng phát hành cách đây gần chục năm, khách hàng không còn sử dụng, nhưng quên trả nợ hoặc trả chưa hết nợ thì dù chỉ còn dư nợ rất nhỏ vẫn có thể dẫn đến nợ xấu lớn.

Điển hình  trường hợp của khách hàng P.H.A vay 8,5 triệu từ thẻ tín dụng Eximbank, nhưng sau 11 năm trả khoản lãi lên đến 8,8 tỷ đồng do phải trả lãi trả chậm, lãi kép, tức “lãi mẹ, đẻ lãi con”.

Eximbank cho biết, đại diện ngân hàng này đã có buổi làm việc với luật sư của ông P.H.A, chủ thẻ tín dụng ở Quảng Ninh bị phát sinh dư nợ lên hơn 8,8 tỷ đồng sau gần 11 năm. Dù không thông tin nội dung buổi làm việc, nhưng được biết hai bên thống nhất mong muốn phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.

Có nhiều khách hàng mở thẻ tín dụng lâu ngày, nhưng bỏ quên không dùng hoặc mở nhiều thẻ cùng lúc không kiểm soát hết. Đến khi xảy ra trường hợp tương tự khách hàng Eximbank, phát sinh nợ xấu nên nhanh chóng đến ngân hàng hủy thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng không sử dụng trong thời gian dài để tránh lãi vay thẻ tín dụng cao.

Trong khi đó, theo quy định, nợ xấu là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán trên 90 ngày. Một khi đã bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu (theo phân loại trên CIC) sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vay vốn của ngân hàng hay một tổ chức tín dụng nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có không ít người sử dụng thẻ tín dụng vẫn quên trả nợ, không trả hết nợ dẫn đến nợ xấu mà không hề hay biết.

Chuyên gia tài chính - TS. Đinh Thế Hiển đã thử tính lãi số nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nói trên của khách hàng Eximbank và nhận xét là như “ma trận". Vì mỗi ngân hàng có cách tính quy định chi tiết khác nhau, nhưng nói chung lãi nhập vốn theo tháng kinh khủng hơn theo năm. Do vậy, người vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng cần hỏi kỹ ngân hàng về cách tính lãi hàng tháng, năm. Đối với lãi kép, những năm đầu chưa thấy nhiều, song từ năm thứ 8 trở đi sẽ tăng rất nhanh.

Trước vụ việc trên, để giúp khách hàng nắm cách thức tính lãi phạt trả chậm, mới đây, một số ngân hàng đã thông tin về biểu lãi suất áp dụng cho thẻ tín dụng. Đơn cử, Agribank công bố cách tính phí chậm trả và lãi quá hạn của thẻ tín dụng của Agribank. Theo đó, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, Agribank sẽ thu phí chậm trả tính trên số tiền thanh toán tối thiểu chưa được thanh toán. Số tiền phí này được thể hiện trên sao kê kỳ tiếp theo.

Trong trường hợp sau 2 kỳ sao kê liên tiếp, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, hệ thống Agribank sẽ tự động khóa thẻ và tính lãi quá hạn với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn trên toàn bộ dư nợ gốc.

Như vậy, Agribank chỉ tính lãi tiền vay trên dư nợ gốc và mức lãi suất quá hạn được tính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là không quá 150% lãi suất cho vay trong hạn (19,5%/năm) trên dư nợ gốc (không bao gồm lãi, phí). Với trường hợp khách hàng có dư nợ là 8.500.000 đồng theo cách tính của Agribank lãi quá hạn sau 11 năm sẽ là: 8.500.000 đồng x 19,5% x 11 năm = 18.349.670 đồng.

Làm thế nào để không “dính” nợ xấu?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định về nguyên tắc sử dụng: Chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành thẻ. Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay trong khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền lãi cho ngân hàng.

Như vậy, không trả nợ thẻ tín dụng còn chịu phí phạt quá hạn thanh toán. Đặc biệt, căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định chế tài về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt cho thấy, trả nợ thẻ tín dụng là trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, người không trả nợ thẻ tín dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu bỏ trốn hay lừa dối để không trả nợ.

Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị với người dùng thẻ tín dụng cẩn trọng để tránh “bẫy” lãi suất và nợ xấu phát sinh. TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, khi có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng, mỗi khách hàng cần ý thức quản lý tài chính của mình và phải có ý thức trả nợ để tránh nợ xấu phát sinh.

Nhưng thực tế hiện nay, nhiều người dân chưa được trang bị kiến thức khi sử dụng thẻ tín dụng. Thậm chí, nhiều người mở thẻ tín dụng với mục đích rút tiền mặt, trong khi đó phí rút tiền mặt qua thẻ lại khá cao, thường khoảng 4%. Khách hàng cũng phải thanh toán toàn bộ dư nợ, không thanh toán dư nợ tối thiểu, khi đó lãi suất trên 20-30% sẽ bắt đầu tính từ ngày phát sinh giao dịch.

Hiện việc kiểm tra thông tin tài khoản, thẻ tín dụng thông thường có thể được thực hiện qua số tổng đài để xem có bị nợ ngân hàng hay không. Tuy nhiên, rất nhiều tổng đài ngân hàng thường xuyên bị bận, trả lời tự động khiến khách hàng khó liên hệ được. Vì vậy, khách hàng có thể ngồi nhà để tự kiểm tra thông tin, tài khoản thẻ trên trang web của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) của Ngân hàng Nhà nước.

Người dân có thể vào trang web của CIC tại địa chỉ cic.gov.vn, khách hàng sẽ chọn nút "Đăng ký" và từ đó khai báo tất cả thông tin cá nhân theo yêu cầu gồm họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà... Trong đó, cần xác thực khi gửi ảnh chụp mặt trước và mặt sau của căn cước công dân cùng hình chân dung.

Sau khi hoàn tất đăng ký, CIC sẽ gửi thông tin xác nhận về địa chỉ email. Tuy nhiên, để tra cập được thông tin tín dụng phải chờ hồ sơ được phê duyệt và hiện thời gian thông báo là từ 1-3 ngày. Do vậy, CIC cũng cho rằng, để hồ sơ được duyệt nhanh hơn khách hàng nên tải ứng dụng (app) CIC về điện thoại thông minh để đăng ký và sử dụng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, theo Điều 18 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc đóng tài khoản thanh toán như sau: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản và chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán…

Thời hạn đối với việc đóng tài khoản thanh toán do không duy trì đủ số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài; thời hạn thông báo cho chủ tài khoản trước khi đóng tài khoản thanh toán và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc đóng tài khoản thanh toán trong trường hợp này do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng.

Căn cứ các quy định trên, các ngân hàng sẽ đóng tài khoản khi không duy trì đủ số dư và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài. Thời hạn thông báo cho chủ tài khoản trước khi đóng tài khoản thanh toán và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc đóng tài khoản thanh toán trong trường hợp này do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng.

Cũng theo ông Lệnh, bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ, công tác chăm sóc khách hàng, thì hoạt động thông tin truyền thông có vai trò quan trọng và cần phải được quan tâm trong quá trình mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng, nhất là trong điều kiện phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày nay.

Việc những kiến thức và quy định cơ bản về thẻ ngân hàng được tư vấn, hướng dẫn khách hàng cụ thể, thường xuyên không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ mà còn góp phần quan trọng hạn chế phát sinh tồn tại liên quan đối với thẻ tín dụng.

Tác giả: Admin

Nguồn tin: baodautu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây